Triển lãm cá nhân
Họa Chiêu Hồn
Phạm Trần Việt Nam
Về "Họa Chiêu Hồn"
Là lối vẽ lấy tinh thần từ những cảnh ngộ trần ai trên trần thế, chân dung con người hiện lên với trăm đủ tình thế, mắc kẹt - ôm trùm rộng rãi / gắt gao của hồn người khuất cũng như người sống..
Tổ tiên tôi ly tán từ Thanh Hóa vào đèo Hải Vân nơi đây tổ phụ sinh ra hành nghề Thầy Cúng. Khi qua đời ông nhắc 'thân phụ' rằng con đừng theo nghệ thuật, nhưng ông vẫn vượt qua như một lời nguyền. Trước năm 1975 ông đã có những tác phẩm nghiêng hướng phù suy / người yếu thế cho xã hội đương thời..
Tôi ở thế hệ hậu thuộc địa, quan sát 'thế giới quan' qua lăng kính hậu chiến với một góc nhìn ôm đồm từ lịch sử địa phương cũng như vướng mắc toàn cầu. Việc vẽ cũng như sự sống, đấu tranh vật lộn để tồn tại.
Có một sự chuyển tiếp - dẫn lối bởi linh hồn tôi như kẻ trung gian làm công việc diễn dịch tinh thần và ngôn ngữ từ một ‘sự tồn tại khác’. Đó là một thế giới của những linh hồn phiêu dạt.
Khi vẽ cũng là lúc tôi lắng nghe tiếng nói của ‘sự tồn tại khác’ trong thinh không, chuyển tiếp cõi hư vô trở lại thành hình hài.
"Ở ranh giới có một nạn nhân xơ xác/Không còn sự thật/Không còn tiếng gào/Chỉ có những cú đấm vào hư không"
- Phạm Trần Việt Nam
01/2024
Về họa sĩ
Phạm Trần Việt Nam
Phạm Trần Việt Nam (1985, TP. Hồ Chí Minh)
Phạm Trần Việt Nam sinh ra tại Đà Nẵng và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2010. Tuy được đào tạo về điêu khắc, nhưng anh chủ yếu thực hành hội họa, chất liệu sơn dầu trên vải. Chịu ảnh hưởng từ nhạc rock và trường phái biểu hiện, tạo hình của anh thời kỳ đầu thường gào thét hoặc quằn quại như trong hoả ngục, chú tâm bóc tác từng góc tối tăm, phẫn nộ và thô bạo của con người. Từ năm 2014, sau khi vượt qua giai đoạn trầm cảm khó khăn, anh bắt đầu thực hành phá bỏ tất cả những gì mình đã tôn thờ, thể nghiệm việc cắt nát và tái cấu trúc toàn bộ tranh vẽ cũ. Những sáng tác của Nam trao gửi thông điệp nhân văn từ lòng trắc ẩn và rung cảm của anh trước bối cảnh xã hội của đất nước mà anh đang sống, những điều trần ai trước mắt. Thực hành nghệ thuật đối với anh không chỉ là một công việc, mà đó còn là ‘hành vi không thể cưỡng lại của trầm cảm’, có lúc dữ dội nhưng cũng có lúc kiên trì và nhẫn nại như thiền định.